Chi tiết tin - Xã Triệu Thượng - Triệu Phong

Nhiệt liệt chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2024) và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2024)

The selected menu does not exist.
Hình ảnh
Video clip
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập 4
  • Hôm nay 246
  • Tổng truy cập 2.715.284

Giới thiệu một số điểm mới của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố

Post date: 20/12/2023

 Ngày 10/6/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.

 

Nghị định gồm IV Chương 40 Điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/8/2023 và thay thế 04 Nghị định của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan: (1) Nghị định số 114/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 về cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; (2) Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; (3) Nghị định số 112/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 về công chức xã, phường, thị trấn; (4) Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 về việc sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (các quy định của pháp luật có liên quan là các văn bản hướng dẫn các Nghị định của cơ quan có thẩm quyền).

Nghị định có một số điểm mới như sau:

(1) Về chức danh cán bộ, công chức cấp xã (Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP):

Công chức cấp xã có 6 chức danh: Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Văn phòng - thống kê; Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã); Tài chính - kế toán; Tư pháp - hộ tịch; Văn hóa - xã hội (không quy định chức danh công chức Trưởng Công an xã do đã bố trí Công an chính quy ở cấp xã).

(2) Về số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (Điều 6 và Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP)

Trên cơ sở khoán tổng số lượng cán bộ, công chức cấp xã theo quy định hiện hành (đối với phường loại I - II - III tương ứng là 23 - 21 - 19 người, đối với xã và thị trấn loại I - II - III tương ứng là 22 - 20 - 18 người) và khoán tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở  cấp xã theo quy định hiện hành (đối với cấp xã loại I - II - III tương ứng là 14 - 12 - 10 người), Nghị định bổ sung quy định tăng thêm (không khống chế tối đa) số lượng công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13(sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15),

(3) Về số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố (khoản 6 Điều 33 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP)

Thôn, tổ dân phố là tổ chức tự quản của cộng đồng dân cư, không phải là một cấp chính quyền, theo đó Nghị định tiếp tục quy định 03 chức danh người hoạt động không chuyên trách (gồm Bí thư chi bộ, Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận) và những người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố. Đồng thời, phân cấp cho UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quy định cụ thể chức danh, số lượng người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

(4) Về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển dụng, bãi nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, nghỉ hưu, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá, xếp loại, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý và chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ, công chức cấp xã

Quy định hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã đối với những vấn đề nêu trên nhiều nội dung đã được thực hiện như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên, theo đó để từng bước liên thông và thống nhất một nền hành chính công vụ, Nghị định quy định theo hướng dẫn chiếu thực hiện các quy định này như cán bộ, công chức từ cấp huyện trở lên. Đối với vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã có đặc thù khác với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên thì quy định cụ thể trong Nghị định như sau:

Quy định rõ tiêu chuẩn (khung năng lực từ đại học trở lên, trừ trường hợp luật hoặc điều lệ của tổ chức có quy định khác) và nhiệm vụ (bản mô tả công việc) của từng chức vụ, chức danh (vị trí việc làm) cán bộ, công chức cấp xã. Trường hợp đang là cán bộ, công chức cấp xã mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì quy định ở điều khoản chuyển tiếp theo hướng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định. Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ;

Việc tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh công chức Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã (thực hiện theo quy định của pháp luật về dân quân tự vệ);

(5) Quy định rõ hơn về phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã (Điều 20 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP)

Cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm chức vụ, chức danh cán bộ, công chức cấp xã khác với chức vụ, chức danh hiện đảm nhiệm mà giảm được 01 người trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã được Ủy ban nhân dân cấp huyện giao theo quy định tại khoản 5 Điều 6 Nghị định này thì kể từ ngày cấp có thẩm quyền quyết định việc kiêm nhiệm được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 50% mức lương (bậc 1), cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) của chức vụ, chức danh kiêm nhiệm; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ, chức danh không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Trường hợp cán bộ, công chức cấp xã kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 100% mức phụ cấp quy định đối với chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời, giao UBND cấp huyện quyết định chức danh được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm trong trường hợp số lượng chức danh bố trí kiêm nhiệm lớn hơn số lượng cán bộ, công chức giảm được so với số được giao theo quy định tại Nghị định này.

(6) Về chế độ phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và chế độ hỗ trợ đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố

Nghị định quy định tăng mức khoán quỹ phụ cấp người hoạt động không chuyên trách ở mỗi ĐVHC cấp xã loại I - II - III tương ứng từ 16,0 - 13,7 - 11,4 lần mức lương cơ sở lên 21 - 18 - 15 lần mức lương cơ sở (tăng trung bình từ 1,14 lần mức lương cơ sở/01 người lên mức 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người). Ngoài mức khoán quỹ phụ cấp này, đối với những ĐVHC cấp xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên cao hơn so với tiêu chuẩn quy định được tăng thêm người hoạt động không chuyên trách thì cứ tăng 01 người hoạt động không chuyên trách so với quy định được tăng quỹ phụ cấp khoán 1,5 lần mức lương cơ sở/01 người tăng thêm; 

Tăng mức khoán quỹ phụ cấp từ 3,0 - 5,0 lần mức lương cơ sở đối với mỗi loại thôn, tổ dân phố hiện nay lên mức 4,5 - 6,0 lần mức lương cơ sở.

(7) Nghị định quy định các nội dung về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, bầu cử, tuyển chọn, tiếp nhận, sử dụng, quản lý, đánh giá xếp loại, khen thưởng, kỷ luật và bãi nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

Đồng thời, để bảo đảm phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương và đẩy mạnh việc phân cấp, Nghị định quy định giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng đối với từng chức vụ, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương.

Theo Nghị định, địa phương phải triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

(1) Về Cán bộ, công chức cấp xã

- UBND tỉnh có nhiệm vụ:

+ Hằng năm, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng cán bộ, công chức cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này;

+ Ban hành Quy chế tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã; hướng dẫn, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức cấp xã hàng năm;

+ Quy định tiêu chuẩn cụ thể của từng chức vụ cán bộ cấp xã và từng chức danh danh công chức cấp xã theo quy định tại Điều 8 và Điều 10 Nghị định này;

+ Quy định ngành đào tạo theo yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh công chức cấp xã;

(2) Về người hoạt động không chuyên trách ở xã, bản, thôn, tổ dân phố

- Hàng năm, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện thuộc phạm vi quản lý cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, nhưng phải bảo đảm tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc các đơn vị hành chính cấp huyện không vượt quá tổng số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã tính cho cả đơn vị hành chính cấp tỉnh theo quy định tại các khoản 1, 2 Điều này.

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định cụ thể những nội dung sau:

+ Chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;

+ Việc kiêm nhiệm chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố và người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố;

+ Mức phụ cấp của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; quy định cụ thể mức khoán kinh phí hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Nghị định 33/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023.

(Gửi kèm theo Nghị định 33/2023/NĐ-CP)